Bệnh viện ung bướu hà nội

- Nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng!

YOGA VÀ UNG THƯ

Yoga là gì?

Yoga là hình thức tập thể dục từ cổ xưa dành cho cơ thể và tâm trí, nhằm mục đích cải thiện sức mạnh, sự linh hoạt và hơi thở thông qua một loạt các tư thế và chuyển động. Đó là triết lý về toàn bộ cơ thể bắt nguồn từ Ấn Độ hơn 5000 năm trước.

Yoga nhằm mục đích tạo ra sự hài hòa giữa tâm trí, cơ thể và tinh thần để giúp con người cảm thấy bình tĩnh hơn.
Có khoảng 80 tư thế chính mà bạn có thể thực hiện khi đứng, quỳ, ngồi hoặc nằm. Có một số phong cách yoga khác nhau bao gồm: Haltha, Iyengar và Ashtanga yoga.
Có một số hình thức tập yoga khá nặng, trong khi số khác lại nhẹ nhàng hơn tập trung chủ yếu vào thiền và cách thở.
Giáo viên yoga nói rằng các tư thế có thể:

  • Kích thích hệ thần kinh của bạn
  • Làm cho cơ và khớp của bạn linh hoạt hơn
  • Thư giãn tâm trí và cơ thể của bạn

Tại sao người bị ung thư lại tập yoga

Cũng như nhiều loại liệu pháp bổ sung vào điều trị, một trong các lý do chính mà những người bệnh ung thư sử dụng yoga là vì nó giúp họ cảm thấy dễ chịu.
Giáo viên yoga quảng bá rằng yoga là một cách tự nhiên để giúp bạn thư giãn và đối phó với những căng thẳng, lo âu và trầm cảm.
Nhìn chung, nó giúp nâng tâm trạng và tăng cường sức khỏe.Một số người bệnh ung thư cho biết yoga giúp họ tĩnh tâm để đương đầu với bệnh tật tốt hơn. Những người khác cho rằng, yoga giúp giảm triệu chứng và tác dụng phụ như đau, mệt mỏi, các vấn đề về giấc ngủ và trầm cảm.
Yoga đôi khi có thể giúp bạn vận động nhanh chóng và dễ dàng hơn sau phẫu thuật.

Tư thế thiền trong yoga

Nguồn: https://blog.virginiacancer.com/mindfulness-meditation-and-yoga-benefits-for-cancer-patients

Các nội dung tập luyện

Mỗi buổi tập yoga thường kéo dài từ 60 đến 90 phút. Bạn có thể tham gia theo nhóm hoặc tập riêng với một giáo viên.
Các bài tập sẽ phụ thuộc vào phong cách yoga mà bạn chọn. Nhưng thông thường bạn sẽ thực hiện hàng loạt các tư thế và luyện hơi thở, quá trình này sẽ kết thúc bằng một khoảng thời gian thư giãn.
Hãy mặc đồ mà bạn thấy dễ vận động và kéo giãn.
Bạn thường cần một tấm thảm chống trượt. Giáo viên có thể cung cấp những thứ đó hoặc bạn có thể tự chuẩn bị cho mình.
Bạn chỉ nên tự tập luyện yoga ở nhà sau khi đã học được cách thực hiện các tư thế một cách an toàn và đúng cách. Bạn có thể bị chấn thương nếu bạn không thực hiện đúng cách.

Tư thế tập yoga an toàn và đúng cách

Nguồn: https://www.stelizabeth.com/healthyheadlines/cancer-yoga/

Tác dụng phụ và biện pháp phòng ngừa

Nhìn chung, yoga rất an toàn nếu bạn tập đúng cách và dưới sự hướng dẫn của giáo viên có trình độ.

Các giáo viên có trình độ thường khuyến nghị các biện pháp an toàn sau đây.

  • Tập yoga sau bữa ăn tối thiểu 2 giờ
  • Không nên tập yoga một mình ở nhà nếu trước đó bạn chưa luyện tập với một giáo viên có trình độ.
  • Hãy nói với giáo viên yoga của bạn bất kì vấn đề sức khỏe nào bạn đang gặp phải, bao gồm các vấn đề về lưng và khớp, trước khi bạn bắt đầu luyện tập.
  • Dừng tập và nói với giáo viên nếu có tư thế nào đó làm bạn đau.
  • Đừng bao giờ thử các tư thế khó, chẳng hạn như trồng cây chuối, khi chưa được giáo viên có trình độ hướng dẫn cách thực hiện trước.
  • Phụ nữ đang có thai hoặc trong chu kì kinh nguyệt không nên tập một số tư thế. Giáo viên sẽ nói cho bạn đó là những tư thế nào
  • Uống nhiều nước sau mỗi buổi học.

Các nghiên cứu về yoga trong điều trị ung thư

Không có bằng chứng khoa học nào chứng minh yoga có thể chữa khỏi hoặc phòng ngừa bất kì loại ung thư nào. Nhưng một số nghiên cứu cho thấy nó có thể giúp người bệnh ung thư đối phó với các triệu chứng và tác dụng phụ.

Năm 2017, một bài đánh giá của Cochrane đã xem xét liệu yoga có thể cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người mắc ung thư vú hay không. Họ tập hợp 24 nghiên cứu. Hầu hết các nghiên cứu đều có quy mô nhỏ nên kết quả nghiên cứu cũng cần cẩn trọng khi sử dụng. Họ phát hiện ra đôi khi yoga có thể giúp cải thiện giấc ngủ, giảm mệt mỏi, lo âu và trầm cảm.

Vào tháng 3 năm 2010, một đánh giá tổng hợp các nghiên cứu về yoga dành cho bệnh nhân ung thư đã được xuất bản, bao gồm 10 thử nghiệm lâm sàng.

Đánh giá này phát hiện ra rằng yoga có thể giúp giảm lo âu, trầm cảm, mệt mỏi và căng thẳng cho một số bệnh nhân, và giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, tâm trạng và tinh thần trở nên tốt hơn cho một số bệnh nhân.

Các tác giả của đánh giá nghiên cứu này cho biết yoga có thể tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, các kết quả của đánh giá này cần phải được sử dụng một cách thận trọng vì đánh giá có một số điểm yếu và các nghiên cứu trong đánh giá có sự khác biệt.

Một nghiên cứu nhỏ trên các bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến cũng ghi nhận sự cải thiện về chất lượng cuộc sống và sức khỏe chung khi họ tập yoga thường xuyên.

Tìm lớp và giáo viên yoga

Hãy tìm hiểu xem gần nơi bạn sống có lớp học yoga không, và họ có lớp cho người bệnh ung thư không. Bạn có thể tìm thêm thông tin trên fanpage của Tổ chức Y học cộng đồng, hoặc các nhóm Hỗ trợ bệnh nhân Ung thư như Phụ nữ Kiên cường. Họ có thể giới thiệu bạn đến một tổ chức tình nguyện để học miễn phí hoặc với chi phí thấp. Một điều quan trọng là bạn cần tham gia lớp học với giáo viên có trình độ

Bạn có thể muốn hỏi giáo viên những câu hỏi này.

  • Ông/bà đã được đào tạo bao nhiêu năm rồi?
  • Ông/bà đã tập luyện bao nhiêu năm rồi?
  • Ông/bà có được đào tạo hoặc có kinh nghiệm dạy cho những người bệnh ung thư không?
  • Ông/bà có bảo hiểm bồi thường không? (trong trường hợp xảy ra sự cố ngoài ý muốn)

Cảnh báo

Trước khi bắt đầu bất kỳ bài tập yoga nào, hãy chắc chắn rằng bạn đã nói chuyện với giáo viên yoga về tình trạng của mình. Giáo viên sẽ điều chỉnh bài tập phù hợp với nhu cầu của bạn. Điều quan trọng là phải thực hiện mọi việc một cách nhẹ nhàng lúc đầu để giảm thiểu nguy cơ chấn thương.

Nguồn: dịch từ Cancer Research UK – Tổ chức nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh.

Đường dẫn: https://about-cancer.cancerresearchuk.org/about-cancer/treatment/complementary-alternative-therapies/individual-therapies/yoga.

Biên dịch: ThS.BS. Nguyễn Khánh Hà, khoa Nội tổng hợp Điều trị ban ngày theo yêu cầu, bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng, phòng Hợp tác Quốc tế và Nghiên cứu khoa học, bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

 

Gói khám tầm soát ung thư